Tiểu Đường là khi lượng glucose trong máu lúc đói từ 126 mg/dl, hoặc A1c từ 6,5% hay cao hơn, hoặc đường trong máu đo bất kỳ lúc nào trong ngày mà trên 200mg/dl trở lên.
Còn Tiền Tiểu Đường là glucose trong máu khi đói trong khoảng 100-125 mg/dl, hoặc A1c từ 5,7% đến 6,4%.
Nói chung, một số không ít những người bị Tiểu Đường không biết rằng mình đang mắc bệnh, và trong số những người Tiền Tiểu Đường thì đại đa số cũng không biết mình đang lâm vào tình trạng này.
Cơ thể chúng ta có một hệ thống rất nhiều các nội tiết tố, trong đó có ít nhất 2 chất chính liên quan đến sự cân bằng lượng đường trong máu, đó là Insulin làm giảm đường glucose trong máu xuống, còn Glucagon ngược lại, lại làm tăng đường trong máu lên, ngoài ra còn nhiều chất khác nữa…
Tiểu Đường có 2 loại, đó là:
Tiểu Đường loại 1 thường gặp ở trẻ em do tổn thương tuyến tuỵ, nên thiếu trầm trọng hoặc không có insulin trong cơ thể. Bệnh thường diễn tiến rất nhanh trong vài tuần lễ, triệu chứng nặng, gây suy sụp cơ thể trầm trọng. Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng lúc bằng insulin tổng hợp, thường sẽ hồi phục tốt hoàn toàn và phải dùng thuốc insulin duy trì suốt cuộc đời. Tiểu Đường loại 1 chiếm khoảng 5-10%, còn lại 90-95% là Tiểu Đường loại 2.
Tiểu Đường loại 2 là loại tiểu đường thường xảy ra ở người lớn có tình trạng dư mỡ bụng, tăng cân, béo phì. Nguyên nhân là do đề kháng insulin, tức là nồng độ insulin trong cơ thể thường là vẫn bình thường hoặc tăng cao, nhưng tế bào đề kháng lại, hạn chế không cho insulin đưa glucose đi vào bên trong tế bào nữa. Bệnh thường diễn tiến chậm, âm thầm trải qua giai đoạn Tiền Tiểu Đường kéo dài trong nhiều năm, hầu như không có triệu chứng gì đặc biệt trước khi chuyển sang Tiểu Đường loại 2. Nếu được chẩn đoán sớm và điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu cơ thể riêng của từng người thì đa số có thể sẽ khỏi hoàn toàn.