TỨ DIỆU ĐẾ
APR 24, 2023
Description Community
About

TỨ DIỆU ĐẾ cũng gọi là TỨ THÁNH ĐẾ là bài pháp đầu tiên của Đức Phật giảng cho 5 anh em tôn giả Kiều Trần Như
Nguyên nhân và hoàn cảnh đức Phật Thích-Ca giảng về pháp Tứ diệu đế lần đầu tiên :
Ðức Phật Thích-Ca, sau khi thành đạo dưới cội cây bồ đề, liền nghĩ đến việc đem giáo lý của Ngài vừa chứng được, ra truyền bá cho chúng sinh. Nhưng giáo lý của Ngài là giáo lý cao siêu, thâm diệu, còn chúng sinh phần đông căn cơ còn thấp kém, khó có thể giác ngộ nhanh chóng như Ngài được. Nhưng không lẽ vì giáo pháp của Ngài thậm thâm vi diệu mà không giáo hóa chúng sinh? Ðể làm tròn nhiệm vụ hóa độ của Ngài, Phật phương tiện nói pháp Tứ diệu đế là Tiệm giáo để cho chúng sinh dễ bề tu hành.
Quan sát căn cơ năm người bạn đồng tu với Ngài trước kia là nhóm ông Kiều Trần Như, có thể khai ngộ được với pháp Tứ diệu đế, đức Phật đi đến Lộc Uyển là nơi họ đang tu hành để nói pháp Tứ diệu đế.
Sau khi nghe Phật thuyết pháp Tứ diệu đế, thành kiến mê lầm tan vỡ, trí huệ siêu thoát xuất hiện, năm vị này được ngộ đạo, chứng nhập quả vị A-la-hán. Ðó là năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật Thích-Ca.
Từ đây về sau, Tứ diệu đế là giáo lý căn bản về Tiệm giáo (phương pháp tu chứng từ từ) và đã giác ngộ cho không biết bao nhiêu đệ tử của Phật.

Tứ diệu đế, là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế.
1. Khổ đế (Dukkha). Khổ đế là chân lý chắc thật, trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy tất cả những nỗi đau trên thế gian này mà mỗi chúng sinh đều phải chịu, như Sống là khổ, Ðau là khổ, Già là khổ, Chết là khổ v.v… Những nỗi khổ dẫy đầy trên thế gian, bao vây chúng ta, chìm đắm chúng ta như nước biển. Do đó, đức Phật thường ví cõi đời là một bể khổ mênh mông.

2. Tập đế (Sameda Dukkha). Tập đế là chân lý chắc thật, trình bày nguyên nhân của bể khổ trần gian, là lý do vì đâu có những nỗi khổ ấy. Khổ đế như là bản kê hiện trạng của chứng bệnh; còn Tập đế như là bản nói rõ nguyên nhân của chứng bệnh, lý do vì sao có bệnh.

3. Diệt đế (Nirodha Dukkha). Diệt đế là chân lý chắc thật, trình bày rõ ràng hoàn cảnh quả vị an lành, tốt đẹp mà chúng sinh sẽ đạt đến khi đã diệt trừ được những nỗi khổ và những nguyên nhân của đau khổ. Diệt đế như là một bản cam đoan của lương y nói rõ sau khi người bệnh lành thì sẽ ăn ngon, ngủ yên như thế nào, thân thể sẽ tráng kiện, tâm hồn khoan khoái như thế nào.

4. Ðạo đế (Nirodha Gamadukkha). Ðạo đế là những phương pháp đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ. Ðó là chân lý chỉ rõ con đường quyết định đi đến cảnh giới Niết-bàn. Nói một cách giản dị, đó là những phương pháp tu hành để diệt khổ và được vui.
Ðạo đế cũng như cái toa thuốc mà vị lương y đã kê ra để người bịnh mua và những lời chỉ dẫn mà bịnh nhân cần phải y theo để lành bệnh.

Comments