Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
NOV 06, 2022
Description Community
About

Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 16 hôm nay, xin mời các bạn đến với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.   


Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên huý Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, sinh ngày 13/5/1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), là một chính khách, nhà thơ, nhà chiến lược, một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử và văn hoá nước Việt trong thế kỷ 16. Ông sinh ra trong gia đình nhà nho truyền thống, cả cha lẫn mẹ đều thông tuệ và giỏi văn chương, nên năm 1535 ông thi đỗ Trạng nguyên rồi ra làm quan nhà Mạc và bày mưu tính kế giúp vua Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì thế, hoạn lộ của ông từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Xuyên suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam, ông là một trong số hiếm những người được phong tới tước Công, tức Quốc Công, mà chưa từng cầm binh ra trận hay là công thần khai quốc lẫn hoàng thân quốc thích.   


Đến khi ngoài 70 tuổi, ông treo ấn từ quan, trở về quê nhà và dựng am Bạch Vân bên bờ sông Tuyết Hàn để mở trường dạy học và sáng tác thơ văn. Ông sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm, và với thơ Nôm trong tập Bạch Vân quốc âm thi tập, chủ đề nổi bật là cái nhàn. Nói về sự “nhàn” trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, GS. Nguyễn Huệ Chi nhận xét trong cuốn Bước đầu suy nghĩ về văn học thời Mạc: Cần phải thừa nhận rằng trong cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có một phương diện gọi là tự tại. Nhàn ở đây không là ẩn, chưa phải xã hội thối nát đến mức mình không thể chấp nhận nổi mà trở về chăm nom vài luống cúc, hoặc lẩn trốn vào cửa thiền, hoặc tìm quên trong thú vui cần câu, chén rượu. Nhàn, bởi mình cảm thấy phải làm chủ cuộc sống của mình, cho nên tự mình trở về an nhàn nghỉ ngơi. Nhưng khi nhà Mạc kêu gọi đi đánh bọn phản loạn thì Nguyễn lại hăng hái ra giúp. Nhàn trong trường hợp này là nhàn tự tại. Nhàn tự tại chính là nét khác với nhàn ở nhiều thời đại khác là thứ nhàn chỉ muốn lánh đục, lánh triều đình, “dũng thoái”. Nhàn tự tại không cố chấp mà hồn nhiên hơn.”  


Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ số 79 và 129 trong tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi tập và bài thơ chữ Hán “Hạ cảnh” trích trong tập Bạch Vân am thi tập, bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường, cũng chính là cố vấn nội dung cho chương trình Ng-Âm Thơ.

Comments