Cuộc sống và tu tập của bạn giống như là nghệ thuật chỉnh dây đàn vậy. Bạn sẽ có được sự kết hợp và giao thoa tốt nếu như các bạn khéo léo. Bạn hoàn toàn có thể dùng tình yêu và công việc là một cơ hội lớn để chuyển hóa chính bản thân mình.
Nếu bạn có một quan sát thấu đáo hơn về đạo Phật, bạn sẽ thấy mục tiêu cuối cùng của việc thực hành đạo Phật là một con đường để chuyển hóa tâm thức. Và điều quan trọng nhất bạn cần phải nhớ là ứng dụng tu tập trong đời sống hàng ngày.
Bạn có thể thấy quan điểm tu hành khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay là: “Tránh những gì gây cám dỗ” như tiền, quyền lực và phụ nữ... Điều này thực ra không sai nhưng chưa thật sự đầy đủ nếu như bạn đang đi trên con đường giải thoát. Vì tiền sẽ không xấu khi bạn không bị dính mắc vào nó, bạn có thể dùng tiền để cứu giúp người đời, làm việc gì đó có ý nghĩa.
Tâm giải thoát là tâm khi tiếp xúc với đối tượng khác mà không bị ảnh hưởng và ràng buộc chứ không phải mình chối bỏ nó. Thêm vào đó, nếu trong cuộc sống hàng ngày bạn có một tình yêu, có một cơ hội và gặp những dính mắc, khó chịu… thì đấy không phải là một cái nợ mà đó chính là cơ hội để giải thoát khỏi nó.
Vậy cách tập không phải là từ chối tình yêu và tiền bạc mà hãy sống và tồn tại cùng với nó. Đó gọi là tu tập. Tâm chuyển hóa là như vậy. Từ một cái tâm vướng mắc chuyển thành không vướng mắc. Sâu sắc hơn là tâm tôi giải thoát khỏi mọi ràng buộc, vướng mắc trên đời. Tu tập là để giải thoát khỏi mọi vướng mắc trên đời, trong đó có vướng mắc vào tiền bạc và gia đình.
Câu trích làm ảnh: Tu tập không phải là từ chối tình yêu và tiền bạc, mà hãy sống và tồn tại cùng với nó. Từ một cái tâm vướng mắc chuyển thành không vướng mắc. Sâu sắc hơn là tâm giải thoát khỏi mọi ràng buộc, vướng mắc trên đời.
- Trích Trà đàm "LIỆU CÓ THỂ YÊU ĐƯƠNG CUỒNG NHIỆT VÀ LÀM VIỆC HĂNG SAY MÀ VẪN TU TẬP ĐƯỢC KHÔNG?" , Hà Nội 2012 -