THẤY BẢN CHẤT SUY NGHĨ ĐẾN ĐI LÀ HẾT KHỔ
Thầy Trong Suốt: Người thông thường muốn hết khổ thì có thể khống chế nội dung của suy nghĩ bằng cách đổi suy nghĩ để hạnh phúc. Nhưng đổi suy nghĩ có phải thực sự là con đường để hạnh phúc không? Người bình thường muốn hết khổ thì có thể thay suy nghĩ khổ thành suy nghĩ sướng, thay suy nghĩ tôi bất ổn thành suy nghĩ tôi ổn. Nhưng người trầm cảm thì không đổi được suy nghĩ đấy.
“Mình đang rất trầm cảm mà bảo phải vui lên thì có vui lên nổi không? Mình là đứa vô dụng mà phải sửa thành đứa hữu dụng thì có sửa được không?” Không!
Vì con trầm cảm, con không thoát được khổ nếu đổi suy nghĩ. Cuối cùng muốn thoát khổ thì không thể đổi suy nghĩ được. Chỉ có một cách là con thấy rõ suy nghĩ đến và đi, dần dần khổ biến mất. Một ngày nào đó con thấy suy nghĩ chỉ là thứ đến rồi đi thì dần dần nó không còn sức mạnh nữa. Suy nghĩ sướng vẫn đến, suy nghĩ khổ vẫn đến nhưng con không còn bị ảnh hưởng bởi nó nữa thì con hết khổ. Còn nội dung suy nghĩ con không khống chế được đâu.
Đấy là con đường thoát khổ cho người trầm cảm. Các con không cần đổi suy nghĩ. Dù các con có trầm cảm đi nữa thì con vẫn có đủ khả năng thấy được bản chất của suy nghĩ - là suy nghĩ đến đi như gió thoảng. Con chỉ cần Biết thôi, là con đã thực chứng được rằng suy nghĩ đến rồi sẽ đi. Con chỉ cần duy trì cái Biết, con sẽ thực chứng bằng kinh nghiệm cá nhân của con, rằng mọi suy nghĩ đến rồi đi, chẳng có gì quan trọng như con tưởng. Hôm nay muốn tự tử, ngày mai lại muốn yêu đương, có phải cực kỳ vô lý không? Nhưng nội dung thì có quan trọng gì đâu, suy nghĩ liên tục mâu thuẫn nhau nhưng đặc điểm chung của nó là đến rồi đi sạch!
Nếu con chịu khó nhận ra rằng lúc nào cũng Biết thì con sẽ thấy rằng các suy nghĩ không còn quan trọng nữa. Các con khổ vì các con tin vào suy nghĩ đấy. Nhưng khi nó đến rồi đi con mới thấy rằng là nó chỉ đến rồi đi mà thôi. Thế là hết khổ! Người trầm cảm là đi con đường đấy, một phát thoát tất cả các suy nghĩ đau khổ vì tất cả khổ của các con nằm trong suy nghĩ!
- Trích buổi nói chuyện: [Buổi 7] 2020.12.21 Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết (HN)
Giọng đọc: Ngọc Tuyết