Một bạn: Trước đây con từng sống rất khổ sở, con luôn sống trong ảo tưởng rằng khi đi ra đường luôn có cảm giác có người muốn hãm hại mình. Ở trong gia đình thì con cấu xé chồng con, cầm dao đuổi rượt con con, ở sân tập bóng thì con đuổi đánh các bạn và bắt họ phải chiều theo ý mình. Sau đó được Thầy dạy pháp Biết thì con dần thả lỏng hơn, tập chấp nhận mình nhiều hơn. Con dần chấp nhận mình bị điên và nếu nghi ngờ việc mọi người xung quanh đang cười con thì con cũng không làm gì hại họ như trước. Tuy nhiên, con vẫn chưa thoát hẳn các ảo tưởng để thực sự hòa bình với chính mình. Xin Thầy chỉ dạy cho con phương pháp!
Thầy Trong Suốt: Làm được như con đã là một kỳ tích rồi, con đã thoát khỏi những chuyện đó và giờ ngồi đây cùng các bạn một cách bình thường. Tuy nhiên, con nên tập cách chấp nhận hoặc tha thứ cho mình nhiều hơn bằng cách hòa bình với lịch sử của chính mình. Nhưng để làm được như vậy thì con phải có trí tuệ, nếu không những mầm mống của hận thù sẽ bùng lên mạnh hơn. Cách tha thứ mà các con hay cả thế giới vẫn quen dùng đều tin rằng thực sự có tội ác, con là nạn nhân và người gây tổn thương cho con là thủ phạm, khi ấy, vì được nuôi dạy là người tốt nên con cắn răng tự nhắc: “Chuyện đã xảy ra rồi nên mình cần bỏ qua! Mình phải tha thứ cho họ!” Tuy nhiên, cách này vẫn có giá trị về mặt tương đối nhưng lại tiềm ẩn hạt giống của bạo lực mạnh hơn, vì nếu hoàn cảnh đủ xấu xảy ra và họ tiếp tục gây tổn thương cho con ở mức trầm trong hơn thì con mặc định cho mình quyền trả thù họ mạnh tay hơn để dạy cho họ một bài học. Như vậy, cách tha thứ không có trí tuệ này rõ ràng không giải quyết rốt ráo vấn đề vì nó không nhổ được tận gốc mầm mống của bạo lực.
Vậy, tha thứ có trí tuệ thì con nên thực hành như thế nào? Con đã học pháp Biết và nhận ra tất cả đều là biểu diễn của Biết, cả con và họ đều là biểu diễn của Biết và họ hoàn toàn không có quyết định gì cũng giống như con, mọi thứ đều quyết định bởi Biết. Hiểu được như vậy thì con nhận ra không có ai là thủ phạm, không có ai là nạn nhân và cũng không có hành động gây tổn thương nên con không còn phải tha thứ cho ai nữa. Thấy rằng họ không làm gì cả nên không cần phải tha thứ là tha thứ có trí tuệ.
Con may mắn hơn người khác là con có phương pháp và cơ hội. Với pháp Biết và cả một quá khứ bị tổn thương thì con có quyết tâm thực hành đến cùng để đạt đến trạng thái hòa bình thực sự với chính mình và người khác không? Khi con hoàn toàn hòa bình với nỗi đau của mình rồi thì con sẽ tự nhiên chấp nhận được tất cả những sai lầm của người khác. Chỉ khi ấy, con mới nhổ được tận gốc mầm mống của hận thù và ghét bỏ.
Trích bài giảng sau xem phim “Vô diện Sát nhân” ngày 26/8/2022
Giọng đọc: Thuỳ Anh