Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng
NOV 27, 2022
Description Community
About

Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 19 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe ba bài thơ trích trong tập thơ chữ Hán Ngục trung nhật ký, tức Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh.


Gồm 134 bài chữ Hán viết theo thể Đường luật, Nhật ký trong tù được Hồ Chí Minh sáng tác từ 29/8/1942 đến 10/9/1943 trong thời gian bị bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch. Không chỉ ghi lại cảnh sinh hoạt trong tù, tập thơ còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tập thơ ra đời trong bối cảnh Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó sang Trùng Khánh, Trung Quốc với tư cách đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội và Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội để kêu gọi các nước Khối Đồng Minh ủng hộ Mặt trận Việt Minh trong công cuộc đánh đuổi Pháp và Nhật. Khi đi, Nguyễn Ái Quốc mang theo danh thiếp in tên Hồ Chí Minh, vì vậy tên gọi Hồ Chí Minh chính thức được sử dụng từ đây.


Hầu hết các chuyên gia và nhà phê bình đều nhận định thơ trong Nhật ký trong tù giản dị và mộc mạc, nhưng không vì thế mà tầm thường. Trần Huy Liệu cho rằng: “Đọc tập thơ của Hồ Chủ tịch, chúng ta không thấy những bài thuộc loại “hô to gọi giật” như thường thấy ở một số nhà cách mạng khác mà là những lời lẽ bình dị, mộc mạc rất dễ hiểu và dễ cảm. Những chữ Hán dùng trong thơ phần nhiều cũng là bạch thoại chứ không chất chứa những điển tích hay những câu chữ cầu kỳ. Chúng ta thấy Bác “đọc” ra thơ hơn là “nghĩ” ra thơ.” Hoài Thanh cũng chung ý kiến: “Thế giới quen thuộc trong thơ Bác là thế giới những hoàn cảnh cụ thể, những sự việc cụ thể trong đời sống hàng ngày: một người bạn tù không có cơm ăn, một em bé khóc, một cô gái xay ngô và rất nhiều sự việc khác có khi nhỏ nhặt, chi li. Nhưng từ những sự việc ấy, thơ Bác dẫn ra, đi sâu vào lối nhìn, lối nghĩ của người cộng sản, một cái gì rất bình thường mà vĩ đại…”


Cho đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và nhờ đó được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Ngày 1/10/2012, thủ tướng đã ra quyết định công nhận tập thơ là bảo vật quốc gia.


Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe ba bài thơ bao gồm “Khai quyển” bản dịch của Nam Trân, “Văn thung mễ thanh” bản dịch của Văn Trực, Văn Phụng và "Tảo giải" bản dịch của Nam Trân qua giọng diễn ngâm của nghệ sĩ/hoạ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

Comments