Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
OCT 24, 2022
Description Community
About

Các bạn thân mến, thi phẩm các bạn vừa nghe có tên “Tự thán,” tương truyền là sáng tác của Nguyễn Trãi, qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.  Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử nước Việt; ông không chỉ là nhà chính trị, là quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất, là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê sau khi khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu chống lại quân Minh xâm lược thành công vào năm 1428, mà còn là nhà văn hoá, nhà văn, nhà thơ xuất sắc. Ông được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hoá thế giới và nằm trong số 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.   

Về sự nghiệp văn chương, không ngoa khi nói rằng Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận tài ba, với Quân trung từ mệnh tập và nổi tiếng nhất là Bình Ngô đại cáo. Ngoài ra, ông còn soạn thảo Dư địa chí, còn gọi là Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí. Về thơ ca, hai tập thơ nổi bật nhất của Nguyễn Trãi là Ức trai thi tập bằng chữ Hán gồm 105 bài thơ và Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm gồm 254 bài thơ, mà theo Trần Huy Liệu thì đây là tập thơ Nôm có tuổi đời lâu nhất còn lại của Việt Nam đến nay. Nhờ Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã trở thành người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm nước nhà.  

Tiếp sau đây, Ng-Âm Thơ xin giới thiệu đến các bạn Côn Sơn ca, thi phẩm nổi tiếng bậc nhất trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi, được viết trong khoảng thời gian ông từ quan về nghỉ ở núi Côn Sơn, thuộc xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ông ngoại Trần Nguyên Đán của Nguyễn Trãi thường ngâm thơ uống rượu sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Qua giọng ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường, xin mời các bạn lắng nghe Côn Sơn ca, bản dịch thơ của Phan Võ, Lê Thước và Đào Phương Bình.

Comments