Truyền thuyết kể rằng khi còn tại thế, Ngài đã gửi một số các nhà sư vào thiền định trong một khu rừng, là nơi sinh sống của những vị thần linh cây cối. Những vị thần linh này đã phẫn nộ vì sự hiện diện của các nhà sư và cố gắng xua đuổi họ đi bằng cách cho xuất hiện những hình ảnh quái gỡ như ma quỷ, với mùi hôi thối khủng khiếp và những tiếng thét ghê rợn... Các nhà sư khiếp sợ và chạy về cầu cứu Đức Phật van xin Ngài gửi họ đến một khu rừng khác để tiếp tục việc tu hành. Nhưng thay vì nghe họ, Đức Phật khuyên các nhà sư thực hành bắt đầu kiên trì thực hành thiền tâm từ. Một thời gian sau, các vị thần linh đã xúc động trước lòng từ ái và năng lượng yêu thương đã tràn ngập khu rừng, và chính các vị thần linh ấy đã quay lại để chăm sóc và giúp đỡ các nhà sư bằng cách này hay cách khác.
Nội hàm của câu chuyện trên đã nhấn mạnh rằng, với một tâm trí cho dù phủ đầy sợ hãi vẫn có thể bị xuyên thủng bởi phẩm hạnh của lòng từ ái. Hơn nữa, một tâm trí được dung nạp bởi lòng từ ái có thể vượt qua mọi nỗi sợ hãi, thậm chí có thể chấm dứt ngay khi chúng vừa mới phát sinh. Tâm từ – đó là một từ ngữ dùng để diễn đạt sự cảm nhận về một tình yêu không hề bị ràng buộc bởi lòng tham ái, vượt qua những ảo ảnh của tâm phân biệt, tâm không còn là một thành phần đơn lẻ, tách biệt với đại thể nữa. Qua thực hành Thiền tâm từ, chúng ta sẽ vượt qua tất cả các trạng thái sai lầm cơ bản bắt nguồn từ tâm phân biệt – đó là sự sợ hãi, sự xa lánh, sự cô đơn và nỗi tuyệt vọng- đó cũng chính là những cảm xúc phân mảnh rời rạc do tâm trí của chúng ta tạo nên. Qua thiền tâm từ chúng ta thực hành sự kết nối với mọi người để mang lại sự thống nhất, sự tự tin, và an toàn.