Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 17 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ “Chơi Sài Sơn (lần thứ hai)” của tác giả Nguyễn Thượng Hiền.
Nguyễn Thượng Hiền tên hiệu là Mai Sơn, người làng Liên Bạt, huyện Sơn Lăng, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội), sinh năm 1868, mất năm 1925. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 1884 khi 17 tuổi đã đổ cử nhân khoa thi Hương ở Thanh Hoá. Đến năm 1892, ông thi Đình và cũng đỗ Hoàng giáp như cha mình là Nguyễn Thượng Phiên, nên được bổ nhiệm làm Toản Tu ở Quốc Sử quán, thăng Đốc học ở Ninh Bình rồi thuyên chuyển sang Nam Định, nên thường được gọi là ông Đốc Nam.
Năm 1907, vua Thành Thái bị Pháp phế truất, Nguyễn Thượng Phiên qua đời, do vậy Nguyễn Thượng Hiền lấy cớ thọ tang cha mà xin tạm nghỉ việc quan, gấp rút chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước. Chính ở Trung Quốc, ông đã gặp gỡ và rồi cùng Phan Bội Châu sang Nhật hưởng ứng phong trào Đông Du. Năm 1914, khi Phan Bội Châu bị bắt, ông đứng lên lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội, nhưng hoạt động của hội này nhanh chóng bị đàn áp. Nguyễn Thượng Hiền bôn tẩu khắp nơi, cuối cùng nương nhờ cửa Phật tại chùa Thường Tịch Quan Lan Nhược trên núi Vân Sơn ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc và ở đó đến khi mất vào năm 1925.
Ngoài vai trò là một chí sĩ yêu nước, Nguyễn Thượng Hiền còn là một nhà văn hoá, nhà thơ lớn với gia tài sáng tác hơn 600 bài thơ văn bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Ngoài những bài thơ và bài ký phục vụ mục đích chính trị và cổ vũ đấu tranh, ông cũng viết nhiều bài thơ ký thác tâm sự bản thân, điển hình như bài “Chơi Sài Sơn (lần thứ hai).” Không để các bạn thính giả chờ lâu hơn nữa, sau đây xin mời các bạn lắng nghe bài thơ qua giọng ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.