Nghe Podcaster Tâm Sự Chuyện Được - Mất Sau 9 Tháng Làm Podcast Cùng Liulo lắng nghe những chia sẻ của một podcaster gen Z sau 9 tháng xây dựng và phát triển nội dung dưới dạng podcast nhé!
liulo
Châu Anh, hay còn gọi là Lemon, là chủ nhân của kênh podcast “Một tâm hồn đầy Nắng” - một podcaster với tuổi nghề là 9 tháng. 


“Một tâm hồn đầy Nắng” là câu chuyện kể về một cô gái trẻ tuổi, trẻ lòng và đầy năng lượng trong hành trình 18+ với những tâm sự về yêu - ghét - mất mát - sợ hãi, những trải nghiệm về cuộc sống, chuyện học hành… Tựa như một người bạn đồng trang lứa, Châu Anh muốn gửi gắm thông điệp cho những ai lắng nghe những tập podcast đầy cảm xúc này rằng: “Mình ở đây với vai trò một người bạn Gen Z, cùng bạn tâm sự, cùng bạn trải nghiệm, cùng bạn vui sống, và cùng bạn chơi vơi. Mình mong là tuổi trẻ này chúng ta có nhau, và để cho không ai phải bước đi trong cô độc!”.


Chân dung cô bạn gen Z, chủ sở hữu kênh podcast "Một tâm hồn đầy Nắng!" - Ảnh: FBNV

Phát hành tập đầu tiên trong mùa giãn cách lần thứ 4 tại Hà Nội, sau 9 tháng đều đặn đăng tải hơn 30 tập podcast, Châu Anh đã ngồi lại, nói về những được - mất khi xây dựng kênh. Cùng lắng nghe nhé!

MẤT

Cái mất thứ nhất là mất thời gian. Nhiều bạn hỏi mình là làm podcast có tốn thời gian không, mất bao lâu để sản xuất ra một kỳ podcast? Nó tuỳ thuộc vào độ dài và nội dung số podcast mà bạn muốn truyền tải. Nhìn chung là làm podcast có 3 khâu chính: viết kịch bản, thu âm, và edit. Một kỳ podcast dài tầm 20 phút dưới dạng độc thoại sẽ tốn của mình 5-6 tiếng cho tất cả các khâu. Thời điểm mình sản xuất năng suất nhất là 3 kỳ podcast 1 tuần. Suy ra một tuần mình tốn hẳn 15 tiếng cho việc làm podcast rồi. Đấy là chưa kể thời gian chuẩn bị, tìm tòi và học hỏi lúc mới bắt đầu.

Cái mất thứ 2, thường đi cùng với cái mất đầu tiên, là mất công sức và tâm trí. Công sức của việc làm podcast, và tâm trí mình dành cho việc suy nghĩ nội dung, ý tưởng. Thời gian nào mà mình bị bí ý tưởng, hoặc có vướng mắc một điều gì đó, hoặc quá bận rộn không thể xuất bản đều đặn là y như rằng tâm trí mình sẽ stress nhẹ.

Cái cuối cùng, là tiền. Nghĩa là bạn phải có một khoản đầu tư. Tối thiểu là phải có một chiếc điện thoại và máy tính để thu âm và edit. Và tất nhiên chất lượng thu âm của điện thoại/ máy tính của bạn nên tốt, hoặc ít nhất là tạm ổn, đấy là tối thiểu. Còn nếu muốn “xịn xò" hơn nữa thì đầu tư micro, set up góc thu âm…

Nói thật là phải cố gắng lắm mình mới có thể nghĩ ra những điểm mất khi làm podcast, bây giờ hãy cùng đến với vô vàn lợi ích từ công việc tay trái nho nhỏ này của mình:

ĐƯỢC

Cái được đầu tiên, mình muốn nói đến là “được biết đến, được công nhận". Được biết đến là khi bạn sẽ có một chút sự nổi tiếng nho nhỏ trong cái cộng đồng của riêng mình, cộng đồng mà bạn đã tự xây dựng trên podcast. Còn được công nhận là bạn được nhìn nhận, dành lời khen, đối xử với cương vị là một podcaster (cái danh nghe khá ngầu đúng không). Cái được này sẽ đáp ứng được nhu cầu “self-esteem" ở trong bạn, từ đó có thể giúp bạn hài lòng, tự tin hơn và yêu bản thân cũng như là công việc của mình hơn.

Cái được thứ 2, là “được phát triển”. Khi bạn làm một thứ mới mẻ như làm podcast, bạn sẽ phát triển bản thân không ít. Từ những kĩ năng sử dụng phần mềm thu âm, edit liên quan, đến những kĩ năng quan trọng hơn như kĩ năng viết, diễn đat, giao tiếp, hay là kĩ năng quản lí thời gian... Ở cái được này, bạn sẽ đáp ứng được nhu cầu self-actualization.

Cái được thứ 3 là “được chia sẻ và thấu hiểu”. Bạn sẽ được nói lên tiếng nói của bản thân, chia sẻ những điều mà bạn luôn thôi thúc, ấp ủ, mong muốn được mang đến với mọi người, truyền tải những thông điệp kiến thức và giá trị cá nhân ra ngoài xã hội. Từ đó, thì bạn sẽ nhận được ít nhiều sự thấu hiểu, yêu quý, và cả những lời cảm ơn nữa. Ngoài ra đôi khi, sẽ có thính giả mở lòng và chia sẻ lại cho bạn những dòng tâm sự dài mà người ta luôn giấu kín. Đấy là một điều khá đặc biệt đúng không? Ở đây, Social needs của bạn sẽ được đáp ứng.

Và tất nhiên khi bạn đánh đổi thời gian công sức cho một điều gì đó, bạn sẽ có mong muốn mình được trả lương nhỉ! Làm podcast, bạn cũng sẽ có thu nhập. Thu nhập này đến từ những hợp đồng quảng cáo và những hợp đồng hợp tác. Bạn sẽ nhận được lời mời khi kênh của bạn có một sự phát triển nhất định. Mình cũng đã nhận được kha khá lời mời hợp tác từ những công ty, cá nhân khác nhau (mặc dù mình lựa chọn không kí cái nào cả). Ngoài ra thì bạn cũng sẽ dễ dàng hơn để kiếm được những Job thu âm giọng đọc nếu là một podcaster đấy! Thu nhập nhìn chung, thật ra là không lớn, nhưng cũng là một chút động lực cho ai đó muốn bắt đầu.

Mình không biết đây có phải là điều cuối cùng không, nhưng hiện tại mình chỉ nghĩ ra có vậy, làm podcast sẽ giúp bạn hiểu bản thân mình hơn và tâm lí bạn sẽ được cân bằng hơn. Khi làm podcast (nhất là thể loại nội dung tự sự, kể chuyện, tâm sự), bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian để tìm tòi, học hỏi, khám phá, suy nghĩ, viết lách, chiêm nghiệm, để sắp xếp lại nhiều thứ trong đầu. Đó cũng là những bước để bạn tìm hiểu về chính mình cũng như là thế giới và cả kiến thức chuyên môn mà bạn muốn truyền tải trong podcast. Từ đó, cảm xúc của bạn được cân bằng, khiến thức được bồi đắp, bạn trở nên khách quan, lí trí, và có chiều sâu hơn. Từ đó mà hạnh phúc hơn trong công việc mình làm và trong cuộc sống hàng ngày (self-esteem needs, self-actualization needs, Social needs là 3 trong 6 nhu cầu của con người theo tháp nhu cầu, học thuyết của Maslow's Hierarchy, bạn có thể google để hiểu thêm nha!).

Với những điều được kể trên, mình đã nhận lại được rất nhiều khi lựa chọn trở thành một podcaster. Tất cả những thời gian, tâm trí, công sức, tiền bạc hay cả là những lo lắng, e dè, xấu hổ của mình đều là sự đánh đổi xứng đáng. Nếu được lựa chọn một lần nữa, chắc chắn mình vẫn sẽ chọn làm podcast, và thậm chí còn làm sớm hơn.Bài viết này được viết ra với mục đích giúp bạn hiểu hơn về công việc sáng tạo nội dung trên nền tảng âm thanh (cụ thể là podcast). Và mong là sẽ mang đến một chút động lực nho nhỏ để những ai có hứng thú, muốn thử sức, sẽ bắt tay vào và tạo nên một kênh podcast cho riêng mình.

Tạm kết,

Còn bạn, bạn thấy sao về những chia sẻ phía trên của Châu Anh? Nếu sẵn sàng đánh đổi những thứ sẽ “mất” để đạt được những thứ sẽ “được” như cô bạn gen Z này, hãy thử sức ngay với Podcast cùng Liulo nhé!
liulo
MORE LIKE THIS