Các bạn thân mến, trongNg-Âm Thơsố 13 ngày hôm nay, trong khuôn khổ tháng tôn vinh nhà thơ nữ, xin mời các bạn lắng nghe hai bài thơ của thi sĩ Sương Nguyệt Anh.
Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, tự Nguyệt Anh, sinh ngày 8/3/1864, mất ngày 20/1/1921, người làng An Bình Đông, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Là con gái thứ tư của thi hào Nguyễn Đình Chiểu, từ bé Sương Nguyệt Anh đã thành thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm nhờ được cha truyền dạy. Năm bà 24 tuổi thì cha mất, bà cùng gia đình chuyển về Rạch Miễu rồi kết hôn với phó tổng sở tại và sinh được một con gái, nhưng con gái được 2 tuổi thì chồng bà cũng qua đời. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, và thêm trước bút hiệu mình một chữ “Sương” thành “Sương Nguyệt Anh,” có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.
Năm 1917, Sương Nguyệt Anh trở thành người phụ trách tờ báo đầu tiên của phụ nữ xuất bản tại Sài Gòn mang tênNữ giới chung, tứcTiếng chuông của nữ giới. Số đầu tiên ra mắt ngày 1/2/1918 với chủ trương nâng cao dân trí và quan trọng là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội, nhưng chỉ 5 tháng sau tờ Nữ giới chung đã bị đình bản.
Ngoài viết báo, Sương Nguyệt Anh sáng tác khá nhiều nhưng không gom thành tập nên đến nay tác phẩm của bà chỉ còn rải rác một số bài thơ. Thơ Sương Nguyệt Anh phần lớn là thơ Nôm theo thể Đường luật, thường thể hiện tâm sự cá nhân của bà dưới vai trò người nữ trong xã hội phong kiến. Hai thi phẩm được giới thiệu trong số hôm nay là “Tự thán” và “Tỏ chí,” đều được sáng tác trong thời gian cư tang khi chồng bà tạ thế. Nếu “Tự thán” thể hiện nỗi cô đơn chăn đơn gối chiếc của người goá phụ, thì “Tỏ chí” là câu khẳng định đanh thép quyết định thủ tiết và tấm lòng kiên trinh của bà.
Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe hai bài thơ “Tự thán” và “Tỏ chí” qua giọng diễn ngâm của nghệ sĩ/hoạ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.