Tác giả: Khái Hưng (Việt Nam)
-
Nhắc đến Tự lực văn đoàn – nhóm nhà văn đã tạo nên phong trào canh tân văn học Việt Nam của thế kỷ 20, chúng ta hẳn đã quá quen thuộc với Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ, Hoàng Đạo, và đặc biệt, là Khái Hưng – Trần Khánh Dư. Hồn bướm mơ tiên xuất bản ngày 27 tháng 5 năm 1933, là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng và cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn đoàn. Tiểu thuyết cuối cùng của ông là Thanh Đức (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm. Khái Hưng cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết là Gánh hàng hoa và Đời mưa gió và ra đời chung tập truyện ngắn Anh phải sống cùng năm 1934. Khái Hưng quen Nhất Linh khi cùng dạy ở trường Tư thục Thăng Long vào tuổi 34. Tuy hơn Nhất Linh 9 tuổi nhưng là người bước vào văn đàn sau nên ông được gọi Nhị Linh. Cặp đôi này, nói không ngoa, chính là linh hồn của Tự lực văn đoàn nổi danh sau này.
Khái Hưng là một nhà văn cậu ấm. Ông xuất thân trong gia đình quan lại, cha giữ chức Tuần phủ, lớn lên theo học chương trình Pháp tại Hà Nội, ông còn có tài năng về hội họa hội họa.
Về bút hiệu, Khái Hưng cho biết: “Tên thật của tôi là Trần Khánh Giư, hai chữ Khánh Giư, sắp theo lối anagrammme thành ra Khái Hưng, chứ không có gì lạ”
Từ tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên đến Khúc Tiêu Ai Oán, Khái Hưng đóng góp trong kho tàng Văn học Việt Nam khoảng hai mươi lăm tác phẩm (truyện dài, truyện ngắn, kịch...) qua 15 năm sáng tác. Những tác phẩm của Khái Hưng bất kể là thể loại nào đều chứng minh được tinh thần giá trị xã hội, bênh vực cái mới, cái tiến bộ đồng thời lên tiếng phá bỏ đi những quan niệm khắt khe và lạc hậu. Nhân vật của Khái Hưng luôn được đặt trong sự lựa chọn mang nghĩa cực đoan: Một là họ phải chịu đựng mà sống ngay cái đích chắc chắn hay khuôn khổ nhất định mà theo “Nửa chừng xuân” thì đó là suốt đời làm nô lệ, hoặc sẽ trở thành “những con lợn không có tư tưởng” để rồi tồn tại và biến mất không một dấu ấn. Hai là họ sẽ biến thành kẻ trác táng và phóng đãng, sống theo tiếng gọi của Đời mưa gió, tràn đầy tự do, bản lĩnh và cá tính. Những con người đó luôn sống cho mình, vì mình và đi ngược lại với dòng chảy của chúng nhân.
Sau Cách mạng tháng Tám, Khái Hưng phụ trách chuyên mục Chuyện lẩn thẩn trên nhật báo Việt Nam, cơ quan ngôn luận Việt Nam Quốc dân Đảng. Ông bị Việt Minh bắt giam và xử tử hình vào năm 1947.
Vũ Ngọc Phan trong “Nhà Văn Hiện Đại” đã nhận định: “Nhà văn mà được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ có Khái Hưng... Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa... Khái Hưng, như người ta đã thấy, là một nhà tiểu thuyết có biệt tài... ông lại để tâm đến những việc cải cách hủ tục trong gia đình Việt Nam, nên những tiểu thuyết phong tục của ông đều là những tiểu thuyết có giá trị”.
Mời các bạn lắng nghe một truyện ngắn nhỏ của Khái Hưng, trích trong tập truyện ngắn Dọc đường gió bụi, năm 1936.
-
Donate để ủng hộ góc nhỏ:
Ngân hàng Quốc tế VIB
STK: 601704060332546
Chủ tài khoản: Lương Hoàng Phan
Paypal: paypal.me/luonghoangphan
-
Hãy theo dõi và review cho mình trên kênh Apple Podcast, hoặc để lại lời nhắn qua link này nhé: https://forms.gle/HyKeVGtWChBnUirQ7
Bạn có thể theo dõi podcast khác của mình: "Chuyện trò cùng Phan" tại link này nha.