9 Xu Hướng Podcast Không Thể Bỏ Lỡ Trong Năm 2023 Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên vàng của podcast! Cho dù bạn là người làm podcast, marketer hay người yêu thích việc lắng nghe, thì 9 xu hướng này sẽ giúp bạn biết chính xác hướng đi của ngành công nghiệp podcast.
liulo
Lượng người nghe podcast đang tăng lên nhanh chóng, bằng chứng là số liệu thống kê cho thấy đến năm 2024 sẽ có 504 triệu người nghe podcast trên toàn cầu. Đó là một con số khá ấn tượng, cho thấy mức tiêu thụ podcast hàng tuần đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2013. Có 62% người Mỹ đã từng nghe podcast ít nhất một lần, trong khi 91% dân số Úc trên 12 tuổi biết đến podcast vào năm 2021. Hơn nữa, chi tiêu quảng cáo trong ngành podcast đã tăng vọt trong vài năm qua với ước tính đạt 4 tỷ đô la vào năm 2024.

Tương lai của podcast chưa bao giờ thú vị hơn thế và đây là những xu hướng định hình hành trình này.

1. Podcast đang phát triển theo xu hướng thị trường ngách

Thu hẹp thị trường ngách là một khái niệm mà hầu hết các thương hiệu cần phải xem xét bất kể họ có làm podcast hay không. Nó thậm chí còn quan trọng hơn khi nói đến podcast.

Về cơ bản, việc trở thành một thị trường ngách cụ thể đòi hỏi phải giảm bớt mục tiêu của bạn thành một nhóm nhỏ hơn. Mặc dù nhiều người có thể nghĩ rằng điều này sẽ khiến họ mất đi lượt xem, nhưng nó thực sự mang lại cho podcast (hoặc thương hiệu) sức hấp dẫn rộng rãi hơn. Bạn có thể hiểu như việc trở nên cực kỳ quan trọng trong một cộng đồng hàng nghìn người đáng giá hơn việc có hàng triệu lượt xem không chuyển đổi.

Luôn có nhiều điều cần được khai thác từ thị trường podcast và việc đặt mình vào một thị trường ngách cụ thể sẽ giúp bạn gặt hái được những thành quả.

Số lượng người nghe podcast đang tăng lên và tận dụng điều này bằng cách phát triển các podcast độc đáo sẽ giúp tăng số lượng khán giả của bạn.

Podcast dành riêng cho thị trường ngách rất hữu ích cho các nhà tiếp thị vì họ đã nắm được đối tượng khán giả là ai và có phù hợp với thị trường mục tiêu của họ hay không.

Đây là một số kênh như vậy:





...

2. Chi tiêu cho quảng cáo Podcast đang tăng 

Doanh thu quảng cáo Podcast dự kiến ​​sẽ vượt quá 2 tỷ đô la vào năm 2023. Đến năm 2024, con số này được dự đoán sẽ đạt mốc 4 tỷ đô la.

Bất chấp đại dịch covid-19, suy thoái kinh tế hay chiến tranh trên toàn cầu, chi tiêu cho quảng cáo podcast đang tăng một cách đều đặn. Lý do bởi vì podcast không cần một khoản đầu tư lớn trong khi mang lại tỷ suất lợi nhuận đáng kể.

Bí quyết là đầu tư vào đúng podcast. Hầu hết các thương hiệu đã tuyên bố rằng podcast là một cuộc chơi lâu dài vì nó không mang lại dòng tiền nhanh như khi quảng bá trên mạng xã hội hoặc hình thức tìm kiếm trả phí. Việc chọn đúng podcaster và thị trường ngách sẽ giúp “nuôi dưỡng” các khách hàng tiềm năng và đem lại doanh số bán hàng cao trong tương lai.

Doanh thu quảng cáo podcast đang tăng nhanh hơn (72%) so với tổng doanh thu quảng cáo trên internet (35%).
 

Xu hướng này là một tin tuyệt vời cho các doanh nghiệp cũng như podcasters. Rõ ràng nội dung bằng âm thanh vẫn chưa hoàn toàn biến mất hay lỗi thời, bất chấp sự phổ biến của video. Vì vậy, nếu bạn đang nghĩ đến việc đầu tư vào podcast dưới một hình thức nào đó, số liệu thống kê cho thấy rằng bây giờ là thời điểm tốt nhất để làm điều đó!

Phần lớn người nghe podcast (90%) cảm thấy rằng quảng cáo ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.

3. Podcast dưới hình thức phát trực tiếp (livestreaming) phổ biến hơn 

Ở phía trên chúng tôi đề cập rằng nội dung bằng âm thanh đang hoạt động tốt, bất chấp mức độ phổ biến của video (xét trên nền tảng TikTok). Tuy nhiên, điều thú vị về podcast là chúng có thể dễ dàng được chuyển thành định dạng dựa trên video. Thậm chí chúng có thể được chuyển đổi thành video trực tiếp, tăng mức độ tương tác và doanh thu podcast một cách hiệu quả.

Podcast phát trực tiếp tạo cơ hội cho sự gắn kết gần gũi hơn giữa thính giả và người dẫn chương trình. Không chỉ vậy, họ có thể tương tác trong thời gian thực thông qua việc trò chuyện dựa bình luận chat. Từ góc độ marketing, điều này cũng tuyệt vời vì không có dữ liệu mục tiêu nào tốt hơn những dữ liệu sống đến trực tiếp từ miệng (hoặc tay) của khán giả. (Ước tính, thị trường phát trực tiếp toàn cầu đạt hơn 247 tỷ USD vào năm 2027).

4. Quảng cáo chéo thu hút khán giả 

Quảng cáo chéo là một khái niệm rộng liên quan đến sự hợp tác giữa những người sáng tạo, thường là từ cùng một thị trường ngách.

Trong thị trường podcast, quảng cáo chéo có thể xảy ra khi hai nhà sáng tạo cộng tác trong một tập hoặc chuỗi (series) các tập podcast cụ thể. Bằng cách này, podcaster này được tiếp cận trực tiếp với nhóm khán giả của podcaster còn lại, và giúp ích cho việc chuyển đổi số người đăng ký và lượng người nghe của nhau.

Podcast thường được nghe trong lúc con người đang hoạt động đa nhiệm, nên nhu cầu về nội dung lẫn số lượng podcast cũng rất cao. Điều này làm cho quảng cáo chéo trở thành một chiến lược tuyệt vời, vì người nghe có xu hướng tin tưởng podcaster yêu thích của họ, và việc truy cập kênh podcast được giới thiệu rất dễ dàng do đường link kênh thường được đặt sẵn trong phần mô tả.

Theo Avery Friedman từ Spotify, “Một điều tuyệt vời của quảng cáo chéo là nó đảm bảo rằng bạn sẽ đưa chương trình của mình đến với tệp khán giả mới đã quen thuộc với định dạng podcast”.

Quảng cáo chéo đã thực sự tạo ra sức hút giữa podcaster và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Nó gần như không có nhược điểm, miễn là những người mà bạn cộng tác cùng trong podcast phù hợp với giá trị và đối tượng người nghe của bạn.

5. Thiết bị Podcast chuyên dụng là điều cần thiết

Các nhà tiếp thị đang chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo podcast và người tiêu dùng đang tăng nhu cầu mua sắm loa thông minh, bởi vậy, việc các podcaster đầu tư những thiết bị podcast chuyên dụng cho kênh của mình là điều dễ hiểu.

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy do sự phổ biến của podcast và ngành công nghiệp này, nhiều thương hiệu nổi tiếng đã bắt đầu sản xuất podcast của riêng họ, và vì có đủ tài chính nên sản phẩm của họ có chất lượng vượt trội. Điều này đồng thời làm tăng kỳ vọng của người nghe và họ sẵn sàng bỏ qua những nội dung có chất lượng kém hơn.

Nó cũng không có nghĩa gây cạnh tranh lớn tới những podcaster, cá nhân có ngân sách eo hẹp hơn. Luôn có những thiết bị có thể giúp các podcaster có được chất lượng âm thanh tương tự. Tuy nhiên, nhiều số liệu thống kê đã chứng minh rằng các nhà sản xuất podcast không ngại chi thêm một chút cho các thiết bị chuyên dụng để mang đến cho khán giả của họ trải nghiệm tuyệt vời.

Thị trường micrô không dây toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 1,72 tỷ đô la vào năm 2022 lên 3,29 tỷ đô la vào năm 2029.

Ngoài ra, các podcaster cũng đang chi tiêu nhiều hơn trong việc lựa chọn nền tảng đăng ký lưu trữ podcast đáng tin cậy (podcast hosting), vì đây là cách để tăng lượng khán giả nhanh hơn và quản lý các tệp podcast dễ dàng hơn. Một khoản đầu tư nhỏ luôn có thể đem lại những “phần thưởng” lớn trong lĩnh vực này.

6. Quảng cáo trả phí cho mỗi lần nhấp chuột

Spotify đã thay đổi cuộc chơi vào năm 2022 khi thông báo rằng các nhà quảng cáo podcast có thể chạy quảng cáo trả phí cho mỗi lần nhấp chuột. 

Spotify dự kiến doanh thu quảng cáo sẽ đạt 2 tỷ đô la vào năm 2026.

Vậy, quảng cáo có thể nhấp chuột chính xác là gì?

Hiện tại, hành động này chỉ dành riêng cho một số podcaster được chọn, những quảng cáo có thể nhấp chuột hoặc nút kêu gọi hành động (CTA) sẽ bật lên trên Spotify trong trang podcast hoặc khi người dùng điều hướng vào ứng dụng, mang đến cho họ cơ hội truy cập trực tiếp vào trang web của nhà quảng cáo.

Điều này mở ra thị trường Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số) cho podcast và cho phép các nhà tiếp thị sáng tạo hơn trong các quảng cáo trực quan . Nó cũng hiệu quả hơn vì các podcaster không còn phải mất thời gian đọc các URL dài trong suốt tập podcast,và giúp người nghe tránh việc phải thực hiện một số thao tác vô bổ.

7. Tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói 

Ngay cả trước cuộc khủng hoảng covid-19, các tìm kiếm rảnh tay (hands-free) đã trở nên phổ biến. Việc sử dụng các trợ lý ảo như Alexa, Siri và Google Assistant… tăng với tốc độ nhanh chóng, vì vậy tối ưu hóa cho tìm kiếm bằng giọng nói là một chiến lược marketing quan trọng.

Đến năm 2024, số lượng trợ lý ảo sẽ đạt 8,4 tỷ đơn vị.

Xu hướng này đã tràn sang thị trường podcast, với các podcaster được yêu cầu tối ưu hóa cho tìm kiếm bằng giọng nói nếu họ muốn giữ chân một số lượng không nhỏ thính giả.

Một số mẹo có thể giúp tối ưu công cụ tìm kiếm bằng giọng nói bao gồm:

• Tạo mô tả và tiêu đề có liên quan cho các tập podcast.
• Tập trung vào tối ưu hóa giọng nói trên thiết bị di động.

79% số giờ nghe podcast được tạo ra thông qua điện thoại thông minh.

• Sử dụng các công cụ miễn phí để tìm hiểu những gì mọi người đang tìm kiếm và trả lời những câu hỏi đó trong podcast của bạn.

Có vẻ như không phải là hoàn toàn, nhưng tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói là một trong những xu hướng bạn phải bắt kịp. Hãy nghĩ về điều đó, thính giả của podcast đã chứng minh được sự yêu thích của họ đối với nội dung âm thanh thay vì xem trên văn bản hay video, vì vậy rất có khả năng họ sẽ sử dụng trợ lý giọng nói khi tìm kiếm podcast.

39% người dùng loa thông minh là người nghe podcast hàng tuần.

8. Cạnh tranh nhiều hơn giữa các nền tảng nghe podcast

Tiềm năng của podcast là điều dễ dàng nhận ra và các nền tảng nghe podcast đều rất muốn chiếm lấy vị trí số một. Tuy nhiên, điều này gặp một rào cản lớn vì người nghe podcast thường sử dụng ít nhất ba ứng dụng khác nhau để nghe podcast.

Spotify và Apple Podcasts giành được đa số phiếu bầu nhưng nhiều nền tảng khác đang có doanh thu đáng kể.
iHeart Radio có 30,02 triệu khán giả tại Mỹ vào năm 2021


Sự cạnh tranh giữa các nền tảng đã dẫn đến việc tạo ra các nội dung podcast độc quyền. Ví dụ: Spotify đã đầu tư gần 1 tỷ đô la vào các podcast độc quyền như: Call Her Daddy, The Joe Rogan Experience, Gimlet… 

Điều này là tin tốt cho các nhà quảng cáo, người nghe và người sáng tạo nội dung khi bối cảnh podcast mở rộng hơn nữa.

Nếu bạn đang muốn tận dụng điều này, thì các thể loại podcast phổ biến nhất hiện nay là:

• Hài kịch
• Hình sự tội phạm
• Thể thao
• Sức khỏe & thể hình

9. Dữ liệu UX mang lại nhiều người nghe hơn 

Một xu hướng khác đang phát triển khi nói đến podcast là việc thu thập và sử dụng dữ liệu UX để cải thiện trải nghiệm của người nghe. 

Theo Podcast Insights, đây là những gì thính giả đang tìm kiếm:

• Podcast miễn phí
• Các trang web lưu trữ dễ điều hướng
• Trải nghiệm được cá nhân hóa
• Nội dung có thể tải xuống
• Chất lượng âm thanh

Để đảm bảo người dùng của bạn có trải nghiệm tốt nhất, hãy thử hỏi xem họ muốn gì. Các cuộc khảo sát cho thấy người nghe không ngại trả lời các câu hỏi nếu điều đó giúp cải thiện trải nghiệm nghe của họ.

Vì vậy, nếu bạn chưa biết đến UX, đã đến lúc tận dụng dữ liệu UX.

Kết luận,

Nhiều người tin rằng những năm tới là kỷ nguyên vàng của podcast và các số liệu thống kê ở trên cho thấy điều đó hoàn toàn có cơ sở.

Dễ dàng để bắt đầu, chi phí đầu tư thấp, tiềm năng doanh thu cao,... tất cả đều minh chứng cho một thị trường màu mỡ, béo bở. Bắt tay vào podcast ngay hôm nay, nó chắc chắn sẽ giúp ích quan trọng trong kế hoạch marketing dài hạn của bạn.
liulo