NƯƠNG TỰA VÀO SUY NGHĨ ĐỂ SỬA HAY NƯƠNG TỰA VÀO BIẾT
SEP 17, 2022
Description Community
About

Trong các suy nghĩ, suy nghĩ chống lại là cái gây cho con khổ, còn suy nghĩ “trời đẹp quá” không gây khổ. Nhưng mà “trời cứ phải đẹp mãi” là chống lại việc tý nữa nó không đẹp. Đấy là ví dụ về suy nghĩ chống lại gây khổ.

Người thông thường sẽ sửa các suy nghĩ, ví dụ như là “trời cứ phải đẹp mãi” thì sẽ sửa là “Trời đẹp cũng được, không đẹp cũng được”, suy nghĩ này không gây khổ, đúng không? Đấy là những người sửa suy nghĩ để bớt khổ, nhưng mà cách đấy không vẹn toàn. Vì vô thường mà nói, ngày nào đó, tất nhiên là suy nghĩ “Trời phải đẹp” nổi lên là khổ rồi. Hay sửa suy nghĩ bao nhiêu năm xong hòn đá đập vào đầu thì còn sửa được nữa không? Lại reset từ đầu, lại “trời phải đẹp mãi”, đúng không?

Nên là cách sửa suy nghĩ không vẹn toàn, nó không giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn. Bởi vì hòn đá đập vào đầu là reset tất cả các loại suy nghĩ của con, đá đập vào xong không nghĩ được nữa, nhưng biết thì vẫn biết. Đập hòn đá vào đầu thì có mất Biết không? Biết có bị ảnh hưởng gì không? Nên trọn vẹn là gì? Là suy nghĩ nào cũng được - con vẫn biết. Khi nào con đến trạng thái đấy thì mới gọi là xong, trước đấy thì chưa xong.

Cái Biết thì giống mặt gương, hình ảnh nào cũng đến rồi đi hết. Nhưng mặt gương thì vẫn sờ sờ ở đấy, mặt gương không hề bị ảnh hưởng bởi hình ảnh nào cả. Vì thế mặt gương của Biết là vô địch, sống với nó đủ lâu thì con sẽ có tự tin, con không sợ suy nghĩ nữa. Suy nghĩ của con giống như hình ảnh bay qua, bay lại rồi mất hết. Mặt gương có bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ không? Nên con nương tựa vào suy nghĩ để sửa thì rất bấp bênh. Còn con nhận ra mặt gương ở đây thì hết bấp bênh.

Các con cứ tiến bộ từ từ, không cần vội, nhưng con dám để một cơn cảm xúc xảy ra mà không làm gì nó thì con nhận ra rằng: “Cơn nào rồi cũng qua” bằng kinh nghiệm cá nhân của con chứ không phải bằng lý luận. Còn nếu không dám để cảm xúc xảy ra thì con chỉ có lý luận là cơn nào rồi cũng qua thôi nhưng khi nó đến thì con thống khổ luôn, đánh nhau mải miết, xong không đánh thành công thì lại là lỗi của mình: mình dốt quá, kém quá…. Đấy! Nên là các con tập cần cù và kiên nhẫn cho phép nó xảy ra, để mình ngắm nó, biết nó, rồi thấy nó qua!

Trích buổi nói chuyện: [Buổi 7] 2020.12.21 Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết (HN)
Giọng đọc: Ngọc Tuyết 

Comments