Hồi 3 là mô tả sự mộng mị (chiêm bao thấy ác mộng về dự báo cuộc đời đoạn trường của mình, từ việc viếng Đạm Tiên) và sự thương nhớ Kim Trọng của Thúy Kiều, sau buổi đi chơi Tết Thanh Minh với những suy tư, băn khoăn về số phận, tương lai.
Kiều từ trở gót trướng hoa
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không
Gương Nga chênh chếch dòm song (1)
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân
175. Hải đường lả ngọn đông lân (2)
Giọt sương gieo nặng, cành xuân là đà
Một mình lặng ngắm bóng Nga
Rộn đường gần với nổi xa bời bời:
Người mà đến thế thì thôi, (3)
180. Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
Người đâu gặp gỡ làm chi, (4)
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Ngổn ngang trăm mối tơ lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình
185. Chênh chênh bóng nguyệt xế mành
Tựa ngồi bên triện (5), một mình thiu thiu.
Thoắt đâu thấy một tiểu kiều, (6)
Có chiều phong vận (7), có chiều thanh tân (8)
Sương in mặt, tuyết pha thân, (9)
190. Sen vàng(10)lãng đãng(11), như gần như xa
Rước mừng, đón hỏi dò la:
Đào Nguyên lạc lối đâu mà đến đây? (12)
Thưa rằng: Thanh khí, xưa nay,(13)
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên?
195. Hàn gia ở mái tây thiên,
Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu
Mấy lòng hạ cố đến nhau,
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
Vâng trình hội chủ xem tường,
200. Mà xem trong sổ đoạn trường có tên
Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội, một thuyền đâu xa.
Này mười bài mới, mới ra,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.
205. Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy, đủ mười khúc ngâm
Xem thư nấc nở khen thầm:
Giá đành tú khẩu, cẩm tâm khác thường!
Ví đem vào tập đoạn trường,
210. Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai!
Thềm hoa khách đã trở hài,
Nàng còn cầm lại một hai tự tình
Gió đâu sịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao
215. Trông theo nào thấy đâu nào,
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây.
Một mình lưỡng lự canh chầy,
Đường xa, nghĩ nỗi sau này mà kinh!
Hoa trôi, bèo giạt, đã đành,
220. Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi!
Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi,
Nghĩ đòi cơn, lại sụt sùi đòi cơn
Giọng Kiều rền rỉ trướng loan,
Nhà huyên chợt tỉnh, hỏi: Cơn cớ gì?
225. Cớ sao trằn trọc canh khuya,
Màu hoa lê hãy đầm đìa giọt mưa?
Thưa rằng: Chút phận ngây thơ,
Dưỡng sinh đòi nợ tóc tơ chưa đền
Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên,
230. Nhắp đi, thoắt thấy ứng liền chiêm bao
Đoạn trường là số thế nào?
Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia
Cứ trong mộng triệu mà suy
Phận con thôi có ra gì mai sau!
235. Dạy rằng: Mộng triệu cứ đâu?
Bỗng không mua não chuốc sầu, nghĩ nao!
Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ, đã đào mạch Tương.
Chú thích:
1. Theo truyền thuyết trong cung trăng có chị Hằng Nga, nên thường gọi trăng là “gương Nga”.
2. Xóm bên đông, nơi có con gái đẹp ở, cũng giống nghĩa chữ “tường đông” (Là bức tường ở phía đông. Thời xưa con gái thường ở nhà phía đông. Đây dùng chữ “tường đông” để chỉ chỗ có con gái đẹp ở). Cả câu ý nói cây hải đường ở xóm đông ngả ngọn xuống.
3. Chỉ Đạm Tiên.
4. Chỉ Kim Trọng.
5. Lan can.
6. Người con gái xinh đẹp.
7. Yểu điệu.
8. Thanh tú, tươi tắn.
9. Ý nói mặt và thân hình người tiểu kiều đó như có sự và tuyết in phủ lấy.
10. Chỉ gót chân người đẹp. Đông Hôn Hầu nhà Tề thời Nam Bắc triều rất yêu quí phi họ Phan, từng đúc hoa sen bằng vàng lát xuống nền nhà, để cho nàng đi lên rồi khen rằng: “Bộ bộ sinh liên hoa” (Mỗi bước đi nở ra một hoa sen).
11. Tiếng cổ, có nghĩa là đi từ từ chậm chậm, chập chờn mờ tỏ.
12. Đời Tần có một người đánh cá chèo thuyền ngược theo một dòng suối đi mãi tới một khu rừng trồng toàn đào, thấy nơi đó có một cảnh sống tuyệt đẹp như nơi tiên ở. Người sau dùng chữ “nguồn đào” hay “động đào” để chỉ cảnh tiên.
13. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (cùng một thứ tiếng thì ứng với nhau, cùng một loại khí thì tìm đến nhau).
-----
Poem Nguyen | Tiểu Thơ,
Instagram: @poemypodcast
Email: poemsnguyen@gmail.com