Cách Viết Kịch Bản Khóa Học Bằng Âm Thanh Dưới đây là 5 phương pháp mà Liulo đã nghiên cứu để bất kỳ ai muốn giảng dạy bằng âm thanh đều có thể sử dụng khi viết kịch bản.
liulo
Nếu muốn bắt đầu một khóa học bằng âm thanh, lời khuyên đầu tiên là bạn cần chú trọng đừng tham vọng “nhồi nhét” hay truyền tải quá nhiều kiến thức vào đó, bởi nó sẽ khiến người học bị quá tải nhận thức, khiến não bộ không thể xử lý bất kỳ thông tin nào.

Bạn biết đấy, khi giảng dạy trước lớp học, bạn không chỉ dựa vào giọng nói của mình để truyền tải thông điệp mà còn có các công cụ hỗ trợ như bảng đen, bản đồ hoặc biểu đồ và thậm chí chỉ là cử chỉ tay hay nét mặt của chính bạn. Tất cả những điều này đều hữu ích cho những sinh viên đang cố gắng tìm hiểu thông tin mới. Hay ngay cả khi đang đọc một cuốn sách, bạn không cần phải ghi nhớ tất cả thông tin trong đầu vì luôn có thể quay trở lại để bổ sung nội dung bạn lỡ bỏ qua hay quên mất.

Tuy nhiên, khi giảng dạy qua âm thanh, bạn không được hỗ trợ bởi những công cụ hữu hình trên. Và điều này có thể dẫn đến việc quá tải về nhận thức cho người học. Dưới đây là 5 phương pháp mà Liulo đã nghiên cứu để bất kỳ ai muốn giảng dạy bằng âm thanh đều có thể sử dụng để ngăn chặn tình trạng quá tải nhận thức ở người nghe:

Mẹo số 1: Câu chuyện

Bộ não của chúng ta không có cấu trúc để ghi nhớ nhiều thông tin cùng một lúc… trừ khi nó ở dạng một câu chuyện. Khi thông tin có mối quan hệ nhân quả - giống như trong các câu chuyện - chúng ta nhớ nó tốt hơn nhiều.

Đây là lý do tại sao một phần quan trọng của việc học cách viết kịch bản khóa học bằng âm thanh là phải thành thạo công cụ tuyệt vời này. 

Dưới đây là một số cách giúp bạn làm được điều đó:

Mở bài của bạn bằng một câu chuyện - Điều này phục vụ mục đích song song là thu hút sự quan tâm của người nghe và thiết lập bài học như một câu chuyện. Những câu chuyện ở đầu bài học có thể giúp bạn dành thời gian để dàn dựng bối cảnh mà không lo lắng đang làm người nghe bị phân tâm khỏi phần còn lại của bài học. Ngoài ra, có một câu chuyện thú vị ở đầu bài học giúp thính giả tò mò phần còn lại, tăng khả năng giữ chân người nghe nội dung.

Nếu bạn chưa nghĩ được một câu chuyện để bắt đầu, hãy thử lại và tìm kiếm xem liệu bạn có thể lấy một câu chuyện từ đâu đó ra không.

Một câu chuyện hay thường được tạo ra bởi: Tính cách; Nguyên nhân - hệ quả; Sự phức tạp, Các cuộc xung đột… Có nhân vật hấp dẫn nào không? Có xung đột nào xảy ra không? Một chuỗi các sự kiện? Có biến chứng gì không?... Tất cả những điều này đều là những phương pháp tuyệt vời để có một câu chuyện.

Không có nhân vật? Hãy tạo ra chúng! Không phải tất cả các tài liệu đều chứa các nhân vật thực như con người. May mắn thay, với trí tưởng tượng, bạn luôn có thể tạo ra một nhân vật. Khi bạn đã xác định được một nhân vật, bạn có thể sử dụng một chút sáng tạo để làm cho nó trở nên sống động. 

Mẹo số 2: Ghi nhớ

Vũ khí tiếp theo chống lại sự quá tải nhận thức là các thiết bị hỗ trợ việc ghi nhớ.

Làm thế nào để làm cho những lưu ý đáng ghi nhớ của bạn thực sự gắn bó trong tâm trí người nghe:

- Gắn nó với một hình ảnh trực quan 
- Củng cố bằng hiệu ứng âm thanh bất cứ khi nào có thể
- Xem lại và tham khảo nó thường xuyên trong suốt bài học / khóa học 

Điều này có vẻ như tốn rất nhiều công sức, nhưng chắc chắn việc đầu tư là hoàn toàn xứng đáng. Bởi vì nếu bạn có thể gắn một thiết bị ghi nhớ, về cơ bản bạn đã giành chiến thắng trước tình trạng quá tải về nhận thức. Những gì bạn đã làm sẽ giúp người học của bạn thiết lập cấu trúc tinh thần cho khái niệm mà bạn đang dạy. Điều này cũng tốt như việc cung cấp cho họ một sự hỗ trợ từ bên ngoài, chẳng hạn như đồ thị hoặc biểu đồ, để tham khảo. Và đó là một phần quan trọng của việc học cách viết kịch bản cho khóa học âm thanh.

Mẹo số 3: Đánh giá và lặp lại

Sự thật là, bộ não của chúng ta liên tục chống lại tình trạng quá tải về nhận thức. Chúng ta gặp rất nhiều thông tin hàng ngày đến nỗi không thể nhớ hết được. Điều đó không sao cả, bởi vì chúng ta không cần phải nhớ tất cả mọi thứ. Bộ não tự phân biệt và đánh giá được đâu là thông tin quan trọng, đâu là những nội dung hoàn toàn không liên quan.

Và một trong những cách chúng ta có thể báo hiệu cho não của chúng ta - hoặc não của học viên - rằng đâu là thông tin quan trọng là lặp lại nó thường xuyên. Nếu có một thuật ngữ hoặc khái niệm nào bạn muốn người nghe ghi nhớ, hãy đảm bảo rằng nó được lặp lại thường xuyên nhất có thể trong suốt bài học/ khóa học.

Bên cạnh đó, các bài đánh giá là một công cụ thực sự quan trọng khi viết kịch bản nội dung. Thông thường sẽ bao gồm hai bài đánh giá chính - một bài đánh giá ở giữa bài học và một bài đánh giá toàn diện ở cuối bài học.

Mẹo số 4: Ngôn ngữ chỉ dẫn

Ngôn ngữ chỉ dẫn là một trong những quy tắc hữu ích nhất khi viết kịch bản, hay thậm chí là khi phát biểu trước đám đông nói chung. 

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang đi du lịch để thăm một người bạn bằng tàu hỏa. Chuyến đi sẽ mất vài giờ và khi lên xe, bạn ngủ say. Khi giật mình tỉnh giấc, bạn hoảng hốt nhận ra rằng bạn không biết mình đang ở đâu. Khung cảnh vội vã lướt qua mắt bạn hoàn toàn xa lạ và bạn cũng không chắc mình đã bỏ lỡ điểm dừng của mình hay chưa. Rất may, bạn không phải hoảng sợ lâu trước khi đi qua một biển chỉ dẫn cho bạn biết tên của nhà ga mà bạn đang đi qua. Bạn thở phào nhẹ nhõm. Bạn vẫn còn một vài điểm dừng nữa trước khi bạn cần xuống xe.

Cảm giác hụt ​​hẫng và không biết mình đang ở đâu? Đó cũng là tình trạng mà người nghe khóa học của bạn cảm thấy sau khi họ lơ đễnh trong một vài khoảnh khắc. Điều này có thể là do họ đang lái xe và phải tập trung vào việc điều khiển phương tiện. Hoặc chỉ đơn giản là lơ đãng - điều hoàn toàn tự nhiên xảy ra với tất cả chúng ta khi nghe ai đó nói trong một thời gian dài.

Vì vậy, khi quyết định bắt tay viết kịch bản, mục tiêu của bạn là giúp người nghe có thể dễ dàng quay trở lại nội dung khi họ không chú ý. Ngôn ngữ chỉ dẫn trong một bài học âm thanh có nghĩa là thường xuyên dừng lại để nhắc người nghe về nơi bạn đã đến và bạn đang đi đâu. Bạn càng làm điều này, người nghe sẽ càng cảm thấy kiểm soát được trải nghiệm âm thanh của họ. Điều này giúp họ xác định xem họ có cần quay lại bài học âm thanh hay không. Chèn các ngôn ngữ chỉ dẫn là một chiến thuật tuyệt vời cho nội dung âm thanh của bạn.

Mẹo số 5: Viết một cách đơn giản

Và mẹo cuối cùng nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự có thể mất một thời gian để thành thạo. Đó là: giữ cho nó đơn giản.

Quy tắc đầu tiên để viết kịch bản podcast là giữ mọi thứ thật đơn giản. Ở mức độ cơ bản, điều này có nghĩa là tránh các cấu trúc câu phức tạp. 

Lấy ví dụ, không có gì sai với một câu như thế này trong văn viết:

“Định giá là công việc của người làm marketing vì nó thuộc phạm trù giao tiếp với khách hàng và tạo cho họ ấn tượng đúng về sản phẩm của bạn”.

Thế nhưng, để tránh quá tải về nhận thức, người viết kịch bản nên chia nhỏ cấu trúc câu đó thành các phần đơn giản nhất:

“Giá cả là 100% mối quan tâm của những người làm việc trong lĩnh vực marketing. Là một maketer, công việc của bạn là giao tiếp với khách hàng. Giá cả là hình thức giao tiếp trực tiếp nhất mà bạn trao đổi với họ. Số tiền bạn đưa ra nói lên rất nhiều điều về giá trị sản phẩm của bạn và đối tượng mục tiêu của nó”.

Văn bản có thể trông quá đơn giản, nhưng bằng cách này, người nghe của bạn có thời gian để xử lý từng phần của ý tưởng.

Kết luận, 

Trên đây là 5 mẹo giúp các giảng viên đã, đang và sẽ có nhu cầu giảng dạy bằng các khóa học âm thanh hạn chế được việc quá tải nhận thức khi viết kịch bản. Hi vọng rằng những chia sẻ của Liulo sẽ giúp bạn xây dựng được những khóa học hiệu quả trên nền tảng âm thanh. 

Tham khảo hàng trăm khóa học âm thanh nổi bật trên nền tảng của Liulo nhé!
liulo
MORE LIKE THIS