Các bạn thân mến, trongNg-Âm Thơsố thứ năm ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe chùm ba bài thơ thu gồm “Thu vịnh,” “Thu ẩm” và “Thu điếu” của nhà thơ Nguyễn Khuyến.
Nguyễn Khuyến tên khai sinh là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh năm 1835 tại làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam trong gia đình có truyền thống làm quan. Sau khi đỗ thủ khoa ba kì thi và thành danh Tam Nguyên Yên Đổ, Nguyễn Khuyến ra làm quan, nổi tiếng làm việc cần mẫn, tính thanh liêm lại có tài thao lược nên nhiều lần từ quan nhưng đều không được chấp thuận. Thành Hà Nội bị hạ năm 1883, và sang năm 1884, nước ta công nhận quyền đô hộ của nước Pháp trên khắp lãnh thổ Bắc và Trung Kì. Đau lòng trước cảnh mất nước, không chịu làm quan dưới thời bảo hộ, năm 1885 khi mới 51 tuổi, ông lấy cớ đau mắt xin về hưu ở ẩn, rồi từ đó chủ yếu lấy điền viên làm đề tài ngâm vịnh và trọng tâm sáng tác.
Tâm tư nặng nề của người chí sĩ đau đáu chuyện nước non bao trùm lên toàn bộ ba bài thơ: trong "Thu vịnh," nhà thơ nghe tiếng ngỗng vẫn trầm ngâm nước nhà giờ còn hay mất; ở "Thu ẩm," nhà thơ uống rượu một mình nhưng mắt vẫn đỏ hoe; còn trong "Thu điếu," thi nhân kể chuyện câu cá mà như tả nỗi cô đơn trên con thuyền bé tẻo teo, tựa gối buông cần mà không màng cá đớp động.
Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe chùm 3 bài thơ thu bài thơ “Thu vịnh,” “Thu ẩm” và “Thu điếu” của nhà thơ Nguyễn Khuyến, do họa sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân diễn ngâm, Nghệ sĩ Hùng Cường đệm đàn.