Trong số thứ hai này củaNg-Âm Thơ, xin mời các bạn cùng lắng nghe bài thơ “Sầu chung” của nhà thơ Trần Huyền Trân viết tặng danh ca ca trù Quách Thị Hồ. Quách Thị Hồ sinh năm 1909 tại làng Ngọc Bộ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nơi trước đây thuộc địa phận quê hương quan họ Bắc Ninh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống đàn hát lâu đời với mẹ là ca nương có tiếng, bà sớm được tiếp xúc với đàn phách. Năm 1930, trong thời kỳ phát triển rực rỡ và thịnh vượng nhất của văn hóa hát ả đào hay hát cô đầu, bà ra Hà Nội hát tại phố Khâm Thiên, cái nôi văn nghệ nức tiếng Hà thành.
Thế nhưng cuộc đời của các ca nương cũng lắm nỗi bi ai, mà Trần Huyền Trân, người ngụ tại Cống Trắng, nay là ngõ Văn Chương ở phố Khâm Thiên, hiểu rõ hơn cả. Ở giai đoạn cực thịnh, nhà hát Đốc Sao chuyên chọn gái quê nghèo tầm tuổi 15-16 trông xinh xắn rồi thuê thầy dạy hát vài bài, nói dăm câu tiếng Pháp để làm vui lòng khách. Trần Huyền Trân kể, vì quanh khu gia đình ông ở cũng là nơi trọ của nhiều cô đầu, nên các cô có giọng hát hay mà không biết chữ thường nhờ ông viết thư tình cho các anh "chồng hờ" vòi vĩnh tiền đánh bạc, ông chỉ thương chứ không ghét. Có lẽ chính sự tiếp xúc gần gụi và niềm cảm thương này đã tạo cảm hứng cho Trần Huyền Trân viết “Sầu chung” năm 1942 tại Khâm Thiên để “gửi tặng người ngâm nhé / Cho vút giọng sầu tan bóng mây.”
Bản thu được họa sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ Nguyễn Ngọc Dân diễn ngâm, NSND Xuân Hoạch đệm đàn đáy và Đinh Quang Trung đệm trống chầu. Xin mời các bạn cùng thưởng thức.