Các bạn thân mến, trongNg-Âm Thơsố đầu tiên của tháng 9 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ “Mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng.
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1921, mất ngày 13 tháng 10 năm 1988, là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, nay thuộc thành phố Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám, ông theo học ở Ban trung học trường Thăng Long, rồi đi dạy học tư ở Sơn Tây sau khi tốt nghiệp. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam và trở thành phóng viên tiền phương của báoChiến đấu.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Quang Dũng xuất bản được mười tác phẩm, gồm tập thơ, tập truyện ngắn, bút kí, hồi kí, trong đó nổi bật nhất là hai bài thơ "Tây Tiến" và "Mắt người Sơn Tây" đều được phổ nhạc lần lượt bởi Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Nếu "Tây Tiến" là bản hùng ca bi tráng không kém phần lãng mạn với hình ảnh "đoàn quân không mọc tóc" đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ, thì "Mắt người Sơn Tây" là nốt trầm buồn của mối duyên vừa tương phùng đã biệt ly giữa cảnh chiến tranh tang thương chết chóc: "Mẹ tôi em có gặp đâu không / Những xác già nua ngập cánh đồng / Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ / Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông."
Bài thơ này có rất nhiều dị bản do chính tác giả sửa trong nhiều bản in khác nhau. Tiêu đề ban đầu là "Đôi mắt người Sơn Tây," sau Quang Dũng sửa lại là "Mắt người Sơn Tây." Trong sốNg-Âm Thơnày, xin mời các bạn lắng nghe bản chép tay của tác giả in trong tậpMắt người Sơn Tây - thơ văn tinh tuyểndo NXB Hội nhà văn xuất bản năm 2012, qua giọng diễn ngâm của họa sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn nguyệt của nghệ sĩ Hùng Cường.