Các vấn đề liên quan đến tâm thần, thần kinh và sử dụng chất kích thích là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới, góp phần đáng kể vào tình trạng suy giảm sức khỏe trong suốt cuộc đời mỗi người [1]. Rối loạn sử dụng chất kích thích có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, kể cả trong công việc, trường học hay mối quan hệ gia đình. Theo Khảo sát quốc gia về sử dụng ma túy và sức khỏe (NSDUH) năm 2020, có 40,3 triệu người Mỹ từ 12 tuổi trở lên mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích (SUD), theo đó cứ bảy thanh niên thì có một người mắc SUD [2]. Tại Việt Nam, sự “trẻ hóa” trong việc sử dụng chất kích thích đang ngày càng gia tăng. Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma túy. Điều đáng chú ý, có khoảng 70% trong số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) và trẻ em dưới 16 tuổi nghiện ma túy chiếm 50% [3]. Những số liệu trên cho thấy việc lạm dụng chất gây nghiện vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng dai dẳng và cấp bách đối với nhiều thanh niên (16-30) hiện nay.
Trong khuôn khổ bài viết này, hãy cùng Psyme đặt chân vào thế giới của những người bạn “nghiện chất” để nhận diện vấn đề này một cách rõ nét hơn nhé!